Wednesday 1 July 2009

Hồng Kông biểu tình rầm rộ vì Dân Chủ

Hàng chục ngàn người Hồng Kông tuần hành vì Dân Chủ
Hôm nay, 01/07/2009, theo dự phóng của các nhà tổ chức, có ít nhất hàng trăm ngàn người Hồng Kông xuống đường vì Dân Chủ.
Tuy đây là cuộc tuần hành hàng năm, được dự trù từ trước, nhưng tác hại khủng hoảng kinh tế và đợt đàn áp mới đây tại Trung Quốc, đặc biệt là vụ án Lưu Hiểu Ba, tạo thêm bất mãn cho người dân.

Kinh tế suy thoái

Đánh dấu sự kiện 12 năm trước, vào 1997, Hồng Kông trở về dưới chủ quyền của Trung Quốc, các nhà tổ chức cuộc biểu tình hôm nay mong đợi số người tham gia có thể lên đến nửa triệu, như đã xẩy ra vào năm 2003. Theo họ, chất xúc tác gây tâm trạng bất an cho người Hồng Kông là phản ứng quá muộn màng và yếu ớt của chính quyền Tăng Ấm Quyền (Donald Tsang) trước khủng hoảng kinh tế. Một nhà hoạt động công đoàn hàng đầu tại Hồng Kông, ông Lee Cheuk-yan, đã tuyên bố với AFP rằng tình hình năm nay mang nhiều nét tương đồng với tình hình 2003.

Xin nhắc lại, vào thời điểm đó, sự phản đối của đường phố đối với lãnh đạo Đổng Kiến Hoa, liên quan đến một dự luật về an ninh lãnh thổ, cộng với khó khăn kinh tế, đã khiến cho vị này phải rút lại dự án kể trên và quyết định từ chức sau đó.

Ngày nay, điều chắc chắn là kinh tế Hồng Kông không khấm khá hơn 2003. Lãnh thổ này đã rơi vào suy thoái vào quý 3 năm ngoái. Theo dự phóng, kinh tế Hồng Kông sẽ tụt giảm từ 5,5 đến 6,5% trong năm nay.

Do đó, nếu năm ngoái, cuộc biểu tình vì Dân Chủ tại Hồng Kông đã tập hợp được 47 000 người, thì năm nay, phe đối lập hy vọng sự tham gia sẽ đông đảo hơn. Các tổ chức nghiệp đoàn công nhân viên chức Nhà nước năm nay hết sức bất bình trước tình trạng chính quyền chuyển dời các cơ sở sản xuất và dịch vụ ra khỏi Hồng Kông, đình hoãn việc tăng lương và để thất nghiệp leo thang.

Yếu tố Lưu Hiểu Ba

Cạnh đó, yếu tố chính trị đang nổi cộm tại Hồng Kông với vụ án Lưu Hiểu Ba.

Là người đấu tranh đòi dân chủ, ông Lưu Hiểu Ba đã bị Bắc Kinh câu lưu ngày 08/12/ 2008. Sáu tháng sau, vào tuần qua, công an mới chính thức truy tố ông vì tội « khuynh đảo chế độ ». Trong khi đó, ai cũng rõ cái « tội » của ông Lưu Hiểu Ba, đó là đã công khai ký tên và tổ chức cho việc soạn thảo « Hiến Chương 08 », bản kiến nghị yêu cầu Trung Quốc tôn trọng tự do ngôn luận, nhân quyền và tự do bầu cử. Với 300 chữ ký vào lúc được công bố, ngày 10/12/2008, đánh dấu kỷ niệm 60 năm Tuyên Ngôn Phổ Quát về Nhân Quyền. « Hiến Chương 08 » ngày nay đã tập hợp ít nhất 8600 chữ ký ở trong và ngoài Trung Quốc.

Vụ án Lưu Hiểu Ba đang chấn động công luận Hồng Kông, nhất là trong tuần qua, truyền hình lãnh thổ này đã phát đi nhiều bài phỏng vấn thực hiện với vợ nhà ly khai, bà Lưu Hà. Bà đã cạo trọc đầu và than khóc rằng đôi vợ chồng từ nay phải chuẩn bị đón nhận sự bất hạnh.

Theo Asia Sentinel, người dân Hồng Kông, khi xem vô tuyến truyền hình và chứng kiến các cảnh này, đều tự hỏi : Phải chăng đây là số phận đón chờ chính họ trong tương lai ?

Chẳng những các nhà lãnh đạo Hồng Kông không ngừng đình hoãn các cuộc cải tổ dân chủ - tiêu biểu là cải tổ để bầu chính quyền theo thể thức phổ thông đầu phiếu - mà hơn nữa, các sinh viên, trí thức và đông đảo người Hồng Kông cho rằng, hôm nay, việc Lưu Hiểu Ba bị cấm phát biểu dự báo cho điềm xấu là ngày mai, phong trào đòi Dân Chủ sẽ bị đe dọa tại Hồng Kông.
free programes

Read more!

0 comments:

INDIAN SONG

THAI SONG

Template by : kendhin news blog