Sunday 17 May 2009

Người Khmer Krom ở An Giang, Cần Thơ khiếu kiện đòi đất


Nhiều người Khmer Krom tiếp tục tụ tập trước trụ sở các cơ quan nhà nước ở An Giang và Cần Thơ để đòi giải quyết chuyện đất đai của họ bị tịch thu mà không được đền bù thoả đáng.
Đòi đất từ 1978
Ông Huỳnh Ba, quê ở Sóc Trăng, cùng với hàng chục gia đình người Khmer khác tìm đến trụ sở cơ quan trung ương

đóng tại thành phố Cần Thơ vào sáng ngày 8 tháng 5, xin gởi đơn cho Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trình bày về vụ việc đất đai bị tịch thu đưa vào hợp tác xã trong thập niên 1980, cho đến nay chưa nhận được tiền bồi hoàn, hoặc bồi hoàn chưa thỏa đáng.

Ông Huỳnh Ba cho biết, khi đến Cần Thơ, nhóm của ông bị lực lượng công an khoảng 30 người đến bao vây.

Còn ở tỉnh An Giang, theo ông Chau Sơn, có một nhóm khoảng 40 người Khmer kéo nhau đến trụ sở Ủy Ban Nhân Dân xã An Cư, hiện Tịnh Biên, nhưng bị nhiều xe công an đến chặn đường không cho vào: “Đi khiếu nại đất đai bị nó ngăn chận không cho đi. Dân tui đi lên uỷ ban nhưng bị công an tỉnh, công an huyện nó xuống chận tùm lum tùm la."

Ông Chau Sơn biết mục đích của việc tụ tập là để đòi nhà nước trả lại đất đai bị tịch thu vào năm 1978: “Tui khiếu nại đất đai từ năm 2000, tới giờ nó trả chưa hết. Đi hoài, đi hoài mà nó hẹn hoài, bây giờ nó hông chịu trả."

Nguyễn Bình: Đất anh bao nhiêu hecta, bao nhiêu công?

Ông Chau Sơn: Dạ đất tui là 3 hecta mà chỉ lãnh được 2 hecta, còn một hecta thì nó cứ hẹn. Bây giờ nó nói "không trả, không trả".
Chính quyền không tiếp

Bà Neang Dên, một thành viên khác trong nhóm biểu tình ở An Giang đã đến được trụ sở uỷ ban xã, nhưng không được tiếp đón.

Bà Dên cho biết, đất đai của gia đình bà bị nhà nước lấy cấp cho cán bộ vào năm 1978. Sau đó ông cán bộ này đem bán cho người khác:

Bà Neang Dên: “Cái chuyện đất ruộng của chị em chúng tôi bị mấy ông nhà nước lấy, tui thì tui thưa kiện mà mấy ổng không giải quyết cho tui mà cứ hẹn lần hẹn hoài. Tụi tui thắc mắc, tụi tui đi tới thành phố.

Có đi tới trển, trển gửi về tỉnh, tỉnh nói về huyện, ông huyện cũng không giải quyết cho tui nữa. Cứ quyết định nói là không có, không có.

Thực tế là ông Chau Việt đó là ổng lấy đất của tụi tui đi bán, mà bây giờ tui vô xã lần nào cúng không thấy mặt ông Việt đâu. Ông Việt chạy trốn không à. Mà hồi nãy chị em chúng tôi vô xã thì mấy ổng đóng cửa không cho tụi tui vô. Tụi tui nói tụi tui đi đúng pháp luật, đâu phải tui tui đi quậy gì đâu.”

Truyền thông Việt Nam trước đây cho rằng những người này biểu tình theo sự chỉ đạo của nhà sư Tim Sakhorn, người gốc Khmer Nam Bộ ở Campuchia.

Hồi tháng 6 năm 2007, nhà sư Tim Sakhorn bị Tăng Hàng Tep Vong của Campuchia buộc hoàn tục với cáo buộc phá hoại tình hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam và Campuchia.

Sau đó, ông bị bắt cóc đem đi bỏ tù ở Việt Nam. Còn đài truyền hình quốc gia Campuchia thì cáo buộc các vị sư sãi Khmer Nam Bộ đang phá hoại Phật Giáo.

Tại Việt Nam, nhà sư Tim Sakhorn bị đưa ra tòa xét xử vào tháng 11 năm 2007 với mức án 1 năm tù giam về tội phá hoại chính sách đoàn kết. Sau khi mãn hạn tù ông cho biết bản thân ông tiếp tục bị quản thúc tại quê nhà thuộc tỉnh An Giang.

Đến đầu Tháng Tư vừa qua, chính quyền An Giang cho phép ông sang thăm gia đình ở tỉnh Takeo của Campuchia. Nhân cơ hội này, ông quy y trở lại và trốn sang Thái Lan xin tị nạn chính trị.
free programes

Read more!

0 comments:

INDIAN SONG

THAI SONG

Template by : kendhin news blog