Tuesday 19 May 2009

USCIRF công bố phúc trình về tình hình tôn giáo tại Việt Nam

Ủy ban của Hoa Kỳ về Tự do Tôn Giáo Quốc tế, gọi tắt là USCIRF, vừa công bố phúc nhan đề “Vietnam Policy Focus”, và kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào lại danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo CPC.


Theo đánh giá của chính phủ Mỹ, Việt Nam đã có một số tiến bộ về tự do tôn giáo trong thời gian qua. Hình: Tổng thống Bush và Đệ nhất Phu nhân Laura Bush trả lời báo giới truớc nhà thờ Cửa Bắc, Hà Nội hôm 19-11-2006, nhân dịp đến Việt Nam tham dự Thương đỉnh APEC.
Thực tế tại Việt Nam
Nội dung bản phúc trình dày 32 trang, Ủy ban của Hoa Kỳ nêu rõ những vi phạm tự do tôn giáo của chính quyền Hà Nội mà các thành viên trong Ủy ban chứng kiến và ghi nhận được từ chuyến đi thực tế đến Việt Nam từ ngày 23/10 đến ngày 2/11/2007.

Trong cuộc trao đổi với Trà Mi, tiến sĩ Scott Flipse, chuyên gia cao cấp về phân tích chính sách, kiêm giám đốc các chương trình Đông Á của Ủy ban, cho biết thêm về nội dung và thông điệp của phúc trình này:

Tiến sĩ Flipse: Ủy ban của Hoa Kỳ về Tự do Tôn Giáo Quốc tế vẫn quan ngại về các hành động sách nhiễu và ngăn cấm tôn giáo tiếp diễn tại Việt Nam.

Mặc dù có những tiến bộ được báo cáo, nhưng chúng tôi vẫn hết sức lo ngại vì vẫn còn những người Thượng, người Hmong theo đạo Tin lành, các tu sĩ- phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, các phật tử gốc Khmer, cũng như các tín đồ của đạo Hoà Hảo, đạo Cao Đài, bị chính quyền giam cầm.

Phúc trình này vừa là thông điệp chứng tỏ chúng tôi vẫn hết sức lo ngại về các vấn đề liên quan đến tự do tôn giáo tại Việt Nam, vừa là một bản báo cáo khách quan về hiện tình thực tế giữa các báo cáo về tiến bộ tự do tôn giáo của Hà Nội.Đây là một văn bản được phổ biến rộng rãi. Chúng tôi sẽ gửi đến tất cả thành viên trong Quốc hội Hoa Kỳ. Bất cứ ai quan tâm cũng có thể dễ dàng tìm đọc báo cáo này trên trang web của chúng tôi tại địa chỉ www.uscirf.gov.

Chúng tôi sẽ sử dụng nó như là một tài liệu cung cấp thông tin và tiếp tục kêu gọi sự quan tâm của công luận và chính phủ Hoa Kỳ về hiện tình tự do tôn giáo của Việt Nam.

Trà Mi: Thế nhưng, theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tự do tôn giáo tại Việt Nam đã có những tiến bộ cụ thể xứng đáng để Việt Nam được bỏ tên ra khỏi danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo CPC. Vậy, dựa trên những tiêu chuẩn hoặc tiêu chí đánh giá nào mà Ủy ban lại đề nghị đưa Việt Nam vào lại danh sách này, thưa ông?

Tiến sĩ Flipse: Bản báo cáo Vietnam Policy Focus của chúng tôi đưa ra phản biện súc tích rằng những tù nhân tôn giáo hiện đang còn bị giam cầm, những chính sách ngăn cấm, sách nhiễu tôn giáo vẫn còn đó, các tiến bộ về tự do tôn giáo của Việt Nam chỉ có bề nổi chứ không có chiều sâu. Những tiến bộ ấy đạt được là do Hà Nội bị liệt vào danh sách CPC hồi năm 2004, và do áp lực mạnh mẽ, liên tục từ chính phủ Hoa Kỳ. Cho nên, chúng tôi cho rằng đưa Việt Nam vào danh sách CPC là một việc làm có hiệu quả, và là một công cụ ngoại giao khả dĩ thúc đẩy mối quan hệ song phương Việt-Mỹ trong lĩnh vực này lên một tầm cao mới.
Danh sách CPC

Trà Mi: Nhưng đề nghị này của Ủy ban đã nhiều lần bị Bộ Ngoại giao từ chối. Phải chăng các luận điểm mà Ủy ban đưa ra chưa đủ thuyết phục?

Tiến sĩ Flipse: Chỉ còn vài tháng nữa chính phủ Mỹ sẽ có một bộ máy lãnh đạo mới. Sau cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây nước Mỹ sẽ có tân tổng thống và chính quyền mới. Cho nên, chúng tôi vẫn tiếp tục thể hiện quan điểm của mình để những người hoạch định chính sách ở Washington đặt vấn đề với bộ máy lãnh đạo kế tiếp.

Trà Mi: Hầu hết các luận điểm và bằng chứng đưa ra trong phúc trình của Ủy ban đều dựa trên chuyến đi thực tế đến Việt Nam hồi năm ngoái. Cụ thể hơn, Ủy ban đã ghi nhận gì về tình hình tự do tín ngưỡng của các tôn giáo tiêu biểu tại Việt Nam như Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Cao Đài, hay Hoà Hảo? Có gì đặc biệt đáng lưu ý mà ông muốn nêu lên?

Tiến sĩ Flipse: Chúng tôi tin rằng chính phủ Việt Nam đã có vài tiến bộ khi nhìn nhận có nhiều giáo phái Tin lành khác nhau và công nhận về mặt pháp lý cho một số nhóm hoạt động, thế nhưng điều này không áp dụng đối với tín đồ của đạo Hoà Hảo, Cao Đài, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, và những tín hữu Phật giáo gốc Khơme. Những tín đồ này bị ép buộc phải theo các tổ chức Phật giáo được nhà nước công nhận.

Ngoài ra, chúng tôi cho rằng linh mục Nguyễn Văn Lý, hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân là những tù nhân đáng quan tâm, những người bị giam cầm vì các hoạt động có liên quan đến tự do tôn giáo. Chúng tôi kỳ vọng họ sẽ được nhà nước Việt Nam sớm trả tự do.

Trà Mi: Trước khi chia tay, ông có thể giải thích cụ thể cho thính giả của RFA được hiểu rõ hơn về tầm quan trọng và ảnh huởng của việc Việt Nam bị liệt tên vào danh CPC?Tiến sĩ Flipse: Danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo CPC đặt công tác phát huy và bảo vệ tự do tôn giáo giữ một vai trò quan trọng trong mối bang giao Việt-Mỹ.



Theo đó, đại sứ Mỹ tại Việt Nam và giới chức Hoa Kỳ phải nỗ lực thương thuyết với chính phủ Hà Nội và dùng nhiều biện pháp khác nhau giúp cải thiện điều kiện tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Đi kèm với danh sách CPC này dĩ nhiên bắt buộc phải có các biện pháp trừng phạt khi cần thiết hay các chương trình viện trợ nước ngoài như là điều kiện thương lượng.

Không có danh sách CPC thì tự do tôn giáo không được đặt là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong quan hệ song phương. Vì vậy, chúng tôi tin rằng CPC là một công cụ mà giới chức Hoa Kỳ có thể sử dụng để giúp Việt Nam cải thiện, không chỉ tự do tôn giáo, mà còn các quyền tự do căn bản khác có liên quan như quyền tự do hội họp, lập hội, hay tự do ngôn luận của công dân.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Scott Flipse, chuyên gia cao cấp về phân tích chính sách, kiêm giám đốc các chương trình Đông Á của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế, đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.
(Kể từ 2001, mỗi năm Ủy ban này đều đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách CPC. Thể theo đề nghị của Ủy ban, năm 2004 và 2005, Bộ Ngoại giao Mỹ đã liệt Việt Nam vào danh sách này. Đến năm 2006, Bộ Ngoại giao quyết định bỏ tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC, trước thời điểm tổng thống George W.Bush sang Việt Nam nhân Hội nghị APEC, viện dẫn những tiến bộ ghi nhận được, trong đó có cả việc Hà Nội phóng thích vài tù nhân lương tâm.)
free programes

Read more!

0 comments:

INDIAN SONG

THAI SONG

Template by : kendhin news blog